Chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách trong dịch bệnh Covid-19

Sáng 8/10, Bộ Tài chính tổ chức giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện tháng 9 và triển khai nhiệm vụ tháng 10, nhằm đề ra các giải pháp, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được giao. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Hội nghị.

Thu nội địa giảm mạnh

Báo cáo tại cuộc họp giao ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu nội địa do ngành Thuế thực hiện 9 tháng đạt 907.312 tỷ đồng, đạt 81,2%, bằng 107,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, phân tích số thu tháng 9 và Quý 3/2021, ông Tuấn cho rằng “tình hình đáng lo ngại” khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm. Số thu nội địa trong tháng 9 đạt 60,5 nghìn tỷ đồng (trong đó có  khoảng 3 nghìn tỷ thu phát sinh), giảm khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng so với tháng 8/2021; nếu không tính khoản thu phát sinh thì số giảm này lên tới khoảng 12 nghìn tỷ đồng.

Nếu tính theo quý, số thu Quý 1 đạt 369.688 tỷ; Quý 2 giảm còn 289.717 tỷ và sang Quý 3, số thu giảm chỉ còn xấp xỉ 246 nghìn tỷ, bằng 64% Quý I/2021 và bằng 71,9% quý II/2021. Trong đó, nhiều tỉnh có số thu thấp trong những tháng gần đây, thấp hơn nhiều so với bình quân chung 7 tháng; nhiều tỉnh trọng điểm thu có số thu giảm. Riêng Tp.HCM số thu NSNN tháng 9 giảm 6.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Đối với việc triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 202,ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh gia hạn thuế cho các DN,  tính đến cuối tháng 9, cơ quan thuế đã nhận được 138.984 đơn đề nghị gia hạn, trong đó của DN là 119.518 đơn và 19.476 hộ kinh doanh với số tiền đã gia hạn hơn 78,1 nghìn tỷ đồng; số thuế đến hạn phải nộp trong số này là 36,2 nghìn tỷ đồng.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội trên 23 tỉnh thành phố, nên công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 9, toàn ngành mới thanh, kiểm tra được 46.752 cuộc đạt hơn 51,1% kế hoạch, kiến nghị thu vào NSNN khoảng 34 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành Thuế cũng đã đẩy mạnh kiểm tra công tác hoàn thuế, kiểm tra chống sai phạm trong hoàn thuế, đã thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo  63 tỉnh để rà soát, phân tích các mặt hàng có rủi ro, 9 tháng đã thực hiện hơn 3 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra trong hoàn thuế,  thu hồivà  phạt 690 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Thu hồi nợ thuế 9 tháng đã đạt 22 nghìn tỷ bằng 73% kế hoạch.

Về triển khai nhiệm vụ trong tháng 10 và quý IV/2021,  ông Cao Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ thu NSNN vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Dự toán thu NSNN ngành Thuế quản lý trong năm 2021 là 1.167.400 tỷ đồng, như vậy, quý IV/2021 phải thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất thách thức đòi hỏi cơ  quan thuế phải tìm nhiều giải pháp đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu NSNN, bên cạnh đó việc tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gia hạn, cũng như động viên các doanh nghiệp nộp thuế đủ số tiền gia hạn thuế khi đến hạn, nhất là các doanh nghiệp khó khăn.

Về số thu xuất nhâp khẩu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, số thu đến hết tháng 9 đạt 88,3% dự toán. Tính đến ngày 7/10 thu ngân sách do ngành Hải quan quản lý đạt 293.500 tỷ, đạt 93% dự toán.

Về kế hoạch thu và giải pháp thu trong tháng 10 và Quý 4, Tổng cục Trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, qua theo dõi, số thu tháng 9 thấp hơn tháng 7 là 11 nghìn tỷ đồng, tháng 9 thấp hơn tháng 8 là 3,9 nghìn tỷ đồng.

Do đó, những tháng cuối năm, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện các giải pháp chống gian lận thương mại và chống thất thu; thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN được giao.

Các điểm cầu tại cuộc họp

Đáng chú ý, cơ quan hải quan thời gian qua đã tập trung vào chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các hàng cấm, buôn bán ma túy ở các tuyến đường bộ, sân bay, chuyển phát nhanh, đường biển, chống buôn lậu qua thương mại điện tử… Ngành Hải quan thời gian qua đã đẩy mạnh sự chủ động, phối hợp tốt các đơn vị trong nước (công an)  với hải quan các nước (hải quan Anh, hải quan Mỹ), nâng cấp quan hệ song phương giữa Hải quan Việt Nam và một số nước nhằm đẩy mạnh trao đổi thông tin, hỗ trợ, nâng cao năng lực và điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Kịp thời tham mưu các chính sách tài khóa phù hợp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá 9 tháng đầu năm, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt đối với các chính sách tài khóa đã phát huy những tác động tích cực, giúp DN, người dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần chủ động rà soát công việc, qua quá trình chỉ đạo, điều hành kịp thời dự báo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phát hiện những lỗ hổng trong quản lý để có các biện pháp quản lý phù hợp hơn. “Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo phát hiện lỗ hổng kịp thời”, Bộ trưởng đề nghị.

Về triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị chú ý hoàn thiện các chính sách pháp luật tài chính. Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn để chủ động tham mưu các chính sách phù hợp.

Đối với các chính sách tài khóa thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần tập quản lý thu  ngân sách, tránh thất thu; chi ngân sách đảm bảo triệt để tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo kịp thời kinh phí chống dịch; triển khai khai kịp thời các gói chính sách kích cầu, tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh việc khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của ngành cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ mang tính mũi nhọn, thúc đẩy phát triển.

NA

Nguồn: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM210483

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected!